Phong Thúy Với Mô Hình Liên Kết Hình Thành Chuỗi Giá Trị Nông Sản

Trong vườn rau thủy canh của Công ty Phong Thúy. Ảnh: L.Hoa

Hơn 10 năm trước, Phong Thúy đang ở quy mô trang trại, cũng là thời gian phải loay hoay tìm đầu ra và tìm cách nâng cao giá trị nông sản. Ông Nguyễn Hồng Phong - Giám đốc Công ty Phong Thúy, tâm sự: "Lúc ấy, được sang Úc học hỏi kinh nghiệm, tôi nhận ra, nền nông nghiệp của mình có một số điểm "nghẽn". Khi về, tôi bắt tay vào tìm cách giải quyết các điểm "nghẽn". Trong đó, có câu chuyện "được mùa mất giá, được giá mất mùa" của người nông dân do quy mô sản xuất nhỏ lẻ, manh mún nói riêng và nền sản xuất nông nghiệp trong tình trạng không ổn định nói chung; đặc biệt, do thiếu sự liên kết tạo thành chuỗi khép kín từ sản xuất đến tiêu thụ, từ đồng ruộng đến thẳng bếp người tiêu dùng"...

Đến nay, Phong Thúy có 80% nông sản được tiêu thụ tại các siêu thị trong cả nước và 20% tiêu thụ tại các thị trường truyền thống. Nông sản của nông hộ được thu mua theo giá thỏa thuận đặt hàng từ trước. Nếu giá thị trường sụt giảm nhiều so với giá thỏa thuận thì người nông dân chỉ phải chịu giảm giá khoảng 10%; còn nếu giá thị trường tăng cao hơn, doanh nghiệp sẽ hỗ trợ giá thêm cho nông dân, để bảo đảm, những nông hộ tham gia chuỗi liên kết lúc nào c 61;ng được lợi hơn tự sản xuất đại trà... Từ đó, nông sản có giá cả ổn định, quyền lợi của người nông dân được bảo đảm, các nông hộ yên tâm sản xuất.

Ông Trần Văn Hương (thị trấn Liên Nghĩa) cho biết: "Liên kết với Phong Thúy 10 năm qua, chúng tôi đã xây dựng được cơ chế sản xuất bền vững. Doanh nghiệp ký kết với nông hộ sản xuất một số loại mặt hàng và đảm bảo giá cả luôn cao hơn 15-20% so với không liên kết. Trên nhãn hàng có chỉ dẫn để có thể truy suất nguồn gốc đến từng nông hộ, đảm bảo chất lượng sản phẩm và trách nhiệm của người nông dân với sản phẩm của mình"...

Thời gian đầu, rau an toàn của Phong Thúy chỉ chiếm khoảng 20% sản lượng, sản xuất theo hợp đồng cũng chiếm 20-30%, nhưng càng ngày càng tăng dần.

Sản lượng tiêu thụ của Phong Thúy cũng theo đó tăng lên và đang ở mức 10 ngàn tấn/năm, trên diện tích 50 ha của công ty và hơn 70 ha liên kết với nông dân.

Phong Thúy thực hiện kế hoạch sản xuất trước từ 5-6 tháng để luôn chủ động được nguồn hàng và chủng loại. Từ cuối năm 2024, Công ty tiến hành triển khai sản xuất 2 ha rau thủy canh, bởi nhận thấy chất lượng rau thủy canh rất ổn định, được thị trường cao cấp chấp nhận.

Từ năm 2005, Công ty Phong Thúy đã định hướng sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGap, giao về các đầu mối theo hợp đồng số lượng, quy cách, chủng loại... Hằng năm, Công ty dành thời gian tìm hiểu, tiếp cận công nghệ của thế giới; quan sát, nắm bắt nhu cầu thị trường tiêu thụ; cùng các nông hộ liên kết đi tham quan, học hỏi ở các nước trong khu vực như Thái Lan, Malaysia; hay các nước tiên tiến như Úc, Nhật Bản, châu Âu về những công nghệ mới, kỹ thuật hiện đại áp dụng vào s ản xuất tại đơn vị mình...

Phong Thúy là một trong 9 doanh nghiệp của tỉnh Lâm Đồng được công nhận doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao.

Được chứng nhận doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao do Bộ Nông nghiệp - PTNT cấp phải đáp ứng được nhiều tiêu chuẩn khó hơn các tiêu chuẩn VietGap... dựa vào quy mô sản xuất, tỷ trọng đầu tư nghiên cứu phát triển mới trong doanh số, thành tích đạt được và những tiêu chí về xã hội, như tác động môi trường, đời sống người lao động...

Vì vậy, toàn quốc đến cuối năm 2024, chỉ có 25 doanh nghiệp NNCNC, trong đó Lâm Đồng có tới 9 doanh nghiệp. Sở dĩ Lâm Đồng có nhiều doanh nghiệp NNCNC hơn các địa phương khác và đa số là doanh nghiệp sản xuất rau hoa, do dễ áp dụng công nghệ, dễ tiếp cận cái mới hơn các doanh nghiệp sản xuất cây ăn trái hay chăn nuôi...

Hiện, Phong Thúy có hơn 30 loại rau, mỗi loại có nhiều dòng sản phẩm khác nhau, tập trung lại có hơn 80 mã hàng hóa, với trên 70% sản lượng rau đến siêu thị, nhà hàng ở TP Hồ Chí Minh, các tỉnh Đông Nam bộ; khoảng 10-15% xuất khẩu và phần còn lại bán ra thị trường truyền thống. Nguồn giống của Phong Thúy được bảo đảm với giống thuần do Công ty tự sản xuất, giống rau củ có nguồn cung từ trong nước, các giống rau lai hoặc rau cao cấp hầu như nhập khẩu và chiếm tới 70%.

Hơn 120 ha của Công ty Phong Thúy đều áp dụng phương thức tưới tự động theo 2 dạng công nghệ tưới nhỏ giọt và tưới phun sương. Phong Thúy cũng bắt đầu áp dụng công nghệ tưới thông minh của các nước châu Âu và Nhật, trên diện tích 2.000 m2 - máy điều khiển hoạt động theo lệnh được cài sẵn, tự cân đối các loại chất dinh dưỡng cho cây trồng, đưa dữ liệu về trung tâm để theo dõi...

Liên kết hình thành chuỗi từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm đang là hướng đi bền vững trong sản xuất nông nghiệp an toàn hiện nay, đảm bảo chất lượng nông sản đến tay người tiêu dùng, ổn định giá trị nông sản, đồng thời xây dựng thương hiệu cho doanh nghiệp. Đây cũng là yếu tố tiên quyết để người nông dân chuyên tâm phát triển sản xuất theo hướng bền vững. Tuy nhiên, mô hình này cũng cần sự quan tâm của nhà nước trong việc tạo cầu nối giữa nông dân và doanh nghiệp, cũng như tạo thuận lợi trong các thủ tục hành chính để xây dựng thương hiệu nông sản, hỗ trợ vốn phát triển sản xuất.

Next Post Previous Post