Câu Chuyện Về Linh Vật Tỳ Hưu Trong Phong Thủy
Cạnh Tử Cấm Thành có lầu phong phuỷ thờ Tỳ Hưu. Tỳ Hưu từ lâu đã trở thành văn hoá trong đời sống tâm linh của người Trung Quốc...
Khách du lịch trong bảy ngày rong ruổi trên đất Trung Hoa, tới đâu vào cửa hàng nào cũng thấy người Trung Quốc trưng Tỳ Hưu, bày bán Tỳ Hưu, loài linh vật mang đến cho con người tài, lộc và sự thành đạt.
Theo truyền thuyết của Trung Quốc Tỳ Hưu là con thứ chín của Rồng, đầu hình Rồng, thân giống như sư tử. Khi sinh ra Tỳ Hưu không có hậu môn, vì không có hậu môn nên bị trả lên Thiên Đình, Thượng Đế Ngọc Hoàng thấy vậy vô cùng thương xót, trách mình đã tạo ra Tỳ Hưu không hoàn chỉnh nên cho Tỳ Hưu trở lại trần gian hiển linh thành thần.
Người dân chọn Tỳ Hưu làm thần giữ của, bởi Tỳ Hưu chỉ biết ăn mà không có "đầu ra", thức ăn của Tỳ Hưu là vàng bạc châu báu.
Được tôn là Thần giữ của, nên khi người ta mua Tỳ Hưu về, họ không dám gọi là mua mà gọi "thỉnh" hay "rước" ông Tỳ Hưu bằng sự trân trọng, tôn kính.
Vương tổ nhà Minh là Chu Nguyên Chương được quân sư Lưu Bá Ôn giúp sức lập nên nhà Minh. Lầu phong thuỷ dựng trên cổng Đức Thắng Môn nằm trên trục Bắc Nam được Chu Nguyên Chương cho dựng sau giấc mơ ông thấy Tỳ Hưu nuốt rất nhiều vàng bạc mang vào Tử Cấm Thành.
Từ đó ngân khố của nhà Minh ngày một đầy hơn, quốc gia cường thịnh, nhà Minh mở rộng biên cương bờ cõi bằng các cuộc chiến tranh xâm lược các quốc gia láng giềng.
Những điều may mắn về tài lộc mà Tỳ Hưu mang lại được hai phiên dịch viên là Ngô Minh Mẫn và Triệu Quốc Tiến có niềm tin tuyệt đối. Mẫn kể rằng, sau khi Ma Cao trở về Trung Quốc, nhiều đại gia Trung Hoa đại lục đến Ma Cao đánh bài.
Họ mang Tỳ Hưu vào sòng bạc, một tay vuốt Tỳ Hưu một tay xỉa bài, nên ván nào cũng thắng, khiến cho nhiều con bạc Ma Cao khuynh gia bại sản. Họ không hiểu vì sao người Trung Hoa đại lục lại thắng một cách dễ dàng như vậy, khi trên tay họ chỉ có một con Tỳ Hưu nhỏ xíu.
Sau khi tìm hiểu về Tỳ Hưu, họ mới biết đó là thần tài phù hộ cho gia chủ. Từ phát hiện đó các sòng bạc ở Ma Cao cấm người đánh bạc không được mang Tỳ Hưu theo...
Còn Triệu Quốc Tiến thì kể rằng: Trong mấy năm làm phiên dịch viên dẫn các đoàn khách tới thăm quan nhiều danh lam thắng cảnh của Trung Quốc, trên người anh lúc nào cũng mang một con Tỳ Hưu, như mang một lá bùa hộ mệnh.
Trong một lần đụng xe người anh chỉ bị xây xước nhẹ còn người hành khách ngồi trước mặt anh lại bị thương khá nặng. Anh bảo: Đấy là nhờ "ông Tỳ Hưu" mang đến cho sự may mắn...
Rồi Tiến kể một chuyện may mắn khác, đó là một người mới "thỉnh" một ông Tỳ Hưu về nhà. Người con của ông ta trèo lên ghế mang Tỳ Hưu xuống xem, không may bị ngã gãy chân phải vào viện cấp cứu.
Buổi sáng hôm ấy chiếc xe đưa các cháu học sinh đến lớp thì gặp tai nạn lao xuống hồ khiến tất cả các cháu học sinh đi trên chiếc xe thiệt mạng. Cô giáo chủ nhiệm gọi điện hỏi, hay tin con ông bị gãy chân phải vào viện không đi trên chiếc xe đó nên đã chúc mừng...
Tỳ Hưu gắn với thuyết phong thuỷ của người Trung Hoa từ nhiều thế kỷ trước. Khi Chu Đệ rời kinh đô từ Nam Kinh về Bắc Kinh, ông đã mời thầy địa lý xem hướng và nơi đặt Tử Cấm Thành ở vị trí hợp với phong thuỷ. Thầy địa lý đó cho biết long mạch của Trung Quốc nằm ở Bắc Kinh, qua cửa Thiên An Môn nơi dẫn vào Tử Cấm Thành.
Khi nhà Thanh lật đổ nhà Minh vẫn sử dụng lầu Phong Thuỷ để cầu an. Năm 1959, Mao Trạch Đông đến lầu Phong Thuỷ ông nói đây là danh thắng quốc gia cần phải tôn tạo. Vì thế mà lầu Phong Thuỷ tránh bị tàn phá trong cuộc Đại cách mạng Văn hoá diễn ra từ năm 1966 -1976.
Nhà Minh bị lật đổ gắn với câu chuyện về Tỳ Hưu. Truyền thuyết thuật lại: Lưu Bá Ôn dặn rằng, Đại Minh muốn trường tồn thì phải giữ gìn và đặt Tỳ Hưu trên lầu thành Đức Thắng Môn, mặt ngoảnh về phía Vạn Lý trường thành để trấn áp quân Hung Nô và Nữ Chân.
Nhà Thanh đã nghiên cứu rất kỹ về văn hóa và phong thủy, biết nhà Minh long mạch đế vương còn thịnh nếu không phá được phong thủy của Bắc Kinh thì không thể nào chiếm được Trung Nguyên, họ phái một thầy bói ngồi trước cửa Tử Cấm Thành chờ vua Sùng Chinh đi tuần du để tiếp cận và bói chữ.
Qua việc xem chữ thầy bói đã xui Sùng Chinh chôn con Tỳ Hưu đó đi. Sau khi chôn Tỳ Hưu, khiến vận nước nhà Minh bị suy yếu, nhân việc Lý Tự Thành làm phản sau đó lại được Ngô Tam Quế mở cửa ải Sơn Hải Quan dẫn quân Thanh vào đánh khiến nhà Minh bị tiêu diệt.
Trước cửa Tử Cấm Thành hai con Tỳ Hưu được tạc bằng đá trắng nhằm trấn yểm trừ tà gìn giữ kinh thành, phía sau cũng có 2 con Tỳ Hưu.